Từng là dân chơi xe xăng chính hiệu, anh Hạnh mua VinFast VF 9 chỉ vì… vợ bảo ủng hộ hàng Việt. Nhưng sau những chuyến đi xuyên Việt, leo đèo, lội suối, phá xe không tiếc tay mà vẫn không hỏng, anh “nghiện” chiếc xe lúc nào không hay.
Từng là một “dân chơi” xe thể thao “có số má” khi sở hữu chiếc BMW M3 có giá hơn 75.000 USD từ cách đây gần 20 năm, anh Trần Đức Hạnh (Hà Nội) nay lại chọn gắn bó với một chiếc VinFast VF 9. Trải qua nhiều đời xe sang Đức, anh Hạnh đã tìm lại được niềm vui sau tay lái với chiếc SUV điện của thương hiệu Việt.
“Từ lúc dùng chiếc VinFast VF 9 này, chiếc Mercedes-Benz GLC của mình coi như bỏ xó, lãng quên luôn. Có hôm thử lấy chiếc GLC ra đi thì thấy ắc quy chết lúc nào không biết. Chiếc bán tải trước đây mình dùng rất nhiều nhưng cũng bỏ không từ khi dùng VF 9”, anh Hạnh chia sẻ.

Từng là người không quan tâm tới VF 9 sau khi mua, nay anh Hạnh lại "nghiện" cầm lái chiếc xe này.
Anh Hạnh là người “gạt phăng” ý kiến đưa thêm xe xăng hỗ trợ cho chuyến xuyên Đông Nam Á của đoàn xe VinFast VF 9 đang diễn ra. Hiện anh Hạnh là trưởng đoàn của chuyến đi đó. Đoàn 5 xe VF 9 đã vượt hàng nghìn km từ Việt Nam, qua Lào, Thái Lan, Malaysia và tới Singapore.
Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với anh Hạnh để tìm hiểu lý do anh chọn VF 9 và rất gắn bó với chiếc xe này.
Mua xe vì ủng hộ, không quan tâm xe gì
Chào anh. Cơ duyên nào đưa anh đến với VinFast VF 9 khi trước đây anh chỉ sử dụng các dòng xe Đức và Mỹ?
Lý do mua VF 9 của tôi ban đầu… chẳng liên quan gì tới tôi cả. Hồi đó vợ tôi làm bên Vinhomes, đúng lúc có chương trình "Mãnh liệt tinh thần Việt Nam" vào khoảng tháng 3/2022 gì đó, các chị em bên vợ tôi rủ nhau bảo “Giờ làm Vin mà không đi xe Vin thì kỳ quá.”. Vậy là vợ tôi mới nói với tôi “Anh chọn một chiếc đi, mình mua ủng hộ tinh thần xe Made in Vietnam.”.
Lúc ấy thật sự tôi không hề có khái niệm gì về xe điện, thậm chí còn không quan tâm. Tất cả những gì thiên hạ bàn tán về xe điện tôi đều bỏ ngoài tai. Nhưng vì vợ bảo mua ủng hộ nên tôi bảo “Thế thì chọn xe nào đắt nhất mà mua”. Cơ bản là tinh thần ủng hộ thôi.
Vợ gửi cho tôi bảng option cấu hình các phiên bản xe, tôi thì bận, chẳng có thời gian mà ngồi chọn. Tôi chỉ hỏi lại: “Trong mấy xe này có cái nào màu lạ không?”. Thấy có màu xanh lá cây lạ lạ, ít xe nào có, nên tôi chốt luôn màu đó.




Tôi đặt cọc xe vào khoảng nửa cuối tháng 3/2022. Đến cuối tháng 5, bên showroom báo là xe chuẩn bị có rồi. Nhưng tôi vẫn để đó, chưa lấy ngay, vì nghĩ khi nào cần thì lấy. Mãi tới cuối tháng 7, showroom gọi lại lần nữa bảo ngày 30/7 là kết thúc chương trình Mãnh liệt tinh thần Việt Nam đợt một, giục tôi qua nhận xe. Thế là tôi chọn luôn ngày 27/7, đúng ngày Thương binh Liệt sĩ. Lấy xe về, việc đầu tiên là đi đăng ký. Nhưng đăng ký chưa xong, tôi đã... lên đường xuyên Việt rồi!
“Phá” thử thấy mãi không hỏng
Tại sao anh lại muốn xuyên Việt bằng chiếc xe mà ban đầu anh còn không quan tâm tới như vậy, thậm chí anh còn chưa có khái niệm sử dụng ô tô điện thế nào, thưa anh?
Chính vì tôi không biết về nó nên tôi mới muốn thử sức nó, để xem một sản phẩm ô tô của người Việt Nam chất lượng đến mức nào. Thậm chí trước khi đi xuyên Việt, tôi xác định từ đầu là đi đến đâu thì đến, có trục trặc thì để xe lại và chọn phương án di chuyển khác. Thế nên, tôi không cảm thấy sợ gì cả, ngay cả việc sạc xe cũng vậy. Tôi muốn thử sức chiếc xe đến giới hạn, xem nó có thể chịu đựng được tới mức nào.
Tôi đi xuyên Việt ngay sau khi lấy xe, chưa kịp đăng ký biển chính thức, mới chỉ cầm giấy hẹn đăng ký, biển tạm, rồi còn phải dán vội thẻ thu phí đường bộ tạm, thế là lên đường.

Chạy từ Bắc vào Nam mới bắt đầu “ngấm” cái sướng của xe điện. Tôi không nghĩ là xe Việt Nam giá hơn 2 tỷ đồng lại chạy “đã” như thế: đầm chắc, yên tĩnh, vọt tốt, cảm giác lái ổn định. Lúc đó, tôi mới thấy đúng là xe điện VinFast không phải đùa.
Sau chuyến xuyên Việt đó, tôi đi rất nhiều chuyến đi xa khác. Tâm lý lúc đó của tôi là sẽ đi hết sức để thử xem chiếc xe tới được mức nào, coi như test độ bền của xe ở điều kiện vận hành thực tế đi.

Mục đích sử dụng VF 9 ban đầu của anh Hạnh là... phải "phá" thử xem xe Việt Nam bền đến đâu.
Tôi từng đi cùng hội anh em VF 9 lên Tây Bắc làm từ thiện sau bão Yagi, với đoàn hơn chục xe. Đường toàn sạt lở, đá dăm, bùn đất, nhưng chỉ mỗi xe tôi vào được sâu nhất. Chiếc xe tôi để nguyên bản như nhà sản xuất, không hề thay lốp hay độ lại hệ thống treo, vì tôi luôn tâm niệm là phải “phá” chiếc xe nguyên bản xem nó có thể chịu đựng được tới đâu. Vượt qua những đoạn đường tưởng như bất khả thi mà xe chỉ xước chút phần vỏ, không vấn đề gì cả.
Tôi thấy nhiều anh em đi VF 9 phải phải đắn đo về lốp xe hay gầm thấp, không dám đi đường xấu, nhưng tôi thì quan điểm ngược lại. Thậm chí, có lần, tôi lái chiếc VF 9 qua một đoạn hàm ếch sạt lở, chỉ có đúng một lối nhỏ lọt giữa đá hộc và bờ bê tông mà không gặp bất cứ vấn đề gì. Anh em đứng hai bên cứ vừa quay video vừa vỗ tay.



Chiếc VF 9 của anh Hạnh đã nhiều lên lên rừng xuống biển nhưng vẫn chưa gặp vấn đề gì về phần cứng.
Thật ra VF 9 là chiếc xe có hiệu suất vận hành rất tốt, động cơ điện có mô-men xoắn rất lớn, lại dẫn động 4 bánh, nên chẳng có gì phải ngại các đoạn đường xấu cả. Tôi thấy có những anh em thay lốp khác rồi mà đi đường xấu vẫn chém đá vỡ cả, trong khi tôi để lốp nguyên bản lại không sao. Có một kinh nghiệm đơn giản thôi mà không phải ai cũng biết, đó là để lốp hơi non một chút mà chạy qua những đoạn đường xấu.
Từ một người có hàng chục cầm lái xe xăng, lại toàn là những chiếc xe sang của Đức, khi mới đổi sang xe điện, anh có gặp trắc trở nào không?
Hồi còn trẻ, tôi rất mê những chiếc xe hiệu suất cao. Tôi mua một chiếc BMW M3 từ cái thời mà những chiếc đầu tiên được nhập chính hãng về Việt Nam, giá hồi đó tầm hơn 75.000 USD. Sau này, vì có vợ con, cộng với tính chất công việc, tôi bắt đầu đổi sang các dòng xe cầm cao. Về trải nghiệm với xe xăng thì tôi có rất nhiều. Tôi chỉ đi xe châu Âu, hoặc xe Mỹ. Từ các dòng Land Rover tới Mercedes-Benz hay BMW tôi đều cầm lái hết rồi.
Ở nhà tôi hiện tại có một chiếc Mercedes-Benz GLC với một chiếc bán tải Ford Ranger. Thế nhưng, từ khi có VinFast VF 9, những chiếc xe đó để xó luôn. Thỉnh thoảng, tôi phải nhờ người chạy hộ xe cho đỡ hỏng. Có chiếc GLC đã từng hỏng ắc quy vì để quá lâu không sử dụng. Tôi đi VF 9 quen đến nỗi quên luôn cảm giác chạy xe xăng.

Từ khi có VF 9, anh Hạnh quên luôn xe xăng không sử dụng.
Đúng là đã đi xe Đức rồi thì phải sang cỡ VF 9 lái mới thấy “đã” được. Xe điện rất khác xe xăng: mô-men xoắn lớn, phản hồi gần như tức thì. VF 9 thì rất nặng, thậm chí nặng hơn nhiều so với một chiếc Toyota Land Cruiser, nhưng độ đầm và hiệu suất vượt trội hẳn. Trọng tâm thấp nhờ pin đặt dưới sàn giúp xe bám đường rất tốt. Ngồi lái không thấy bồng bềnh, không bị chòng chành như nhiều SUV gầm cao khác. Như tôi đã kể, tôi từng chở rất nặng trong những chuyến từ thiện lên miền núi, mà xe vẫn vượt địa hình mà không biết tới cảm giác hụt hơi.
Chạy cao tốc thì bật ADAS, xe tự giữ làn, tự giữ khoảng cách, tự phanh… tôi gần như không cần lái luôn. Đi một mình thì gọi là… sướng như ông hoàng.
Nói chung, từ những chiếc xe Đức đổi sang xe điện như VF 9 thì không có gì phải nghĩ cả, vì chiếc xe chạy rất sướng.




Anh Hạnh mua chiếc xe bản ghế cơ trưởng 6 chỗ ban đầu vì là lựa chọn đắt nhất, nhưng sau đó đổi sang cấu hình 7 chỗ để phục vụ gia đình vì đi "thích quá".
Việc sạc giờ cũng rất thuận tiện vì đâu đâu cũng có trạm sạc. Nhà chính tôi ở Hà Đông. Lúc mới mua xe về, tôi từng bảo vợ rằng hay để đánh xe sang Vinhomes Ocean Park chơi rồi tiện thể cắm sạc xe luôn. Vợ tôi bảo, có trạm sạc ngay sát nhà còn đi đâu nữa. Tôi ngó ra ngoài, thấy trụ sạc cách nhà có vài bước chân. Không biết có phải VinFast ưu ái cho mình hay không mà lại bố trí trạm sạc khéo thế *cười*.
Biết cách sử dụng sẽ không sợ “lỗi ảo”
Từ khi VF 9 ra mắt đến nay, có những ý kiến nói về vấn đề phần mềm gặp phải trong quá trình sử dụng. Ngoài độ bền quá “vượt trội” mà anh đã thử nghiệm và chứng minh, thì anh đánh giá sao về phần mềm xe?
Với vấn đề mà mọi người hay gọi là “lỗi ảo”, tôi thấy một phần xuất phát từ người dùng chưa thực sự hiểu cách dùng xe điện. Đầu tiên, phải hiểu rằng xe điện không giống xe xăng. Có thể coi xe điện như một chiếc máy tính, phải bật lên, chờ khởi động xong xuôi hệ thống rồi mới lăn bánh, thì mới không báo “lỗi ảo” đó được. Nhiều người, trong đó có cả tôi, có thói quen cứ lên xe đề máy là đi. Tính tôi nhiều lúc “bộp chộp” nên cũng hay gặp tình trạng báo linh tinh trên màn hình, nhưng không vấn đề gì cả.

Anh Hạnh cho rằng khi đã quen với cách sử dụng xe điện, người dùng sẽ cảm thấy hoàn toàn yên tâm.
Đó là với xe đi hàng ngày. Còn với xe lâu không đi, thì 3 thứ phải quan tâm gồm pin, bình điện phụ 12V và lốp. Pin không nên để kiệt quá. Bình yếu thì sẽ không cấp được nguồn cho hệ thống, không khởi động được xe, mà nếu có cũng báo “lỗi ảo” tùm lum. Có trường hợp xe chết máy do bình phụ bị tụt điện bởi xe để quá lâu không đi. Lốp xe để lâu không vận động cũng lão hóa. Đó là những thứ cần để ý.
Một khi bạn đã hiểu xe điện hoạt động thế nào, bạn sẽ thấy nó cực kỳ tiện lợi và sạch. Cấu trúc động cơ của xe điện đơn giản hơn xe xăng nên hỏng hóc về mặt cơ khí cũng rất ít.
Chính sách ưu đãi mới qua góc nhìn chủ xe cũ
VF 9 nói riêng và xe VinFast nói chung hiện nay có rất nhiều ưu đãi. Với anh, một người mua xe ở thời điểm mà giá còn khá cao, anh nghĩ sao về ưu đãi này?
Trường hợp của tôi đúng là vừa mua xe xong thì giá giảm. Nhưng tôi cảm thấy điều đó hoàn toàn bình thường. Khi đã đặt bút ký mua xe, tôi hoàn toàn hài lòng với chiếc xe đó ở thời điểm đó. Hơn nữa, phương tiện đâu có phải tài sản đầu tư mà đòi hỏi phải giữ giá được. Quan trọng là chiếc xe mang lại cho mình trải nghiệm tốt thế nào. Mình đi sướng và an toàn là được.
Thậm chí có một số anh em đã mua xe VF 9 rồi cũng than “lỗ”. Tôi bảo mọi người rằng “Giảm giá xe thì hãng là người thiệt nhất chứ người dùng đâu có lỗ nếu không bán. Các bác buồn cười thật, xe các bác vẫn đi, vẫn ngon, chẳng ai bắt bán, thì mất cái gì?”.

Với anh Hạnh, chiếc ô tô là để phục vụ chứ không phải tài sản, nên một khi đã sử dụng hài lòng thì không quan tâm tới giá trị mua bán sau này.
Cái mình lo nhất là VinFast “nghỉ chơi” giữa chừng, còn một khi họ vẫn nỗ lực làm xe, vẫn tung ưu đãi để có thêm cộng đồng người dùng ngày càng lớn mạnh, thì đó là tin vui. Việc họ cho miễn phí sạc rõ ràng là họ phải chịu bỏ tiền túi ra để bù đắp phần chi phí cực kỳ lớn rồi. Giá xe cũng vậy. Phải như vậy thì họ mới phát triển được, xe điện mới phát triển được.
Tôi rất nể anh Vượng - một người có khối tài sản khổng lồ mà hoàn toàn có thể nghỉ hưu an nhàn nhưng vẫn vất vả lao vào một mảng cực khó như ô tô điện. Anh ấy rất có tinh thần dân tộc. Mà đã xác định làm là phải làm đến cùng. Việc họ ưu đãi là một trong những nỗ lực và sự hy sinh để phát triển.
Từ khi sử dụng chiếc VF 9 này, tôi đã giới thiệu được 5 người quen mua 5 chiếc VF 9 rồi. Từ bạn bè trong quân đội đến những người mê phượt, chơi bán tải… đều chuyển sang VF 9.
Cảm ơn anh đã chia sẻ.