Anh Sơn là nhân công chịu trách nhiệm một phần sản xuất trong dây chuyền lắp ráp xe điện, cho ra cả trăm chiếc xe điện mỗi ngày, nhưng phương tiện mà anh Sơn lựa chọn vẫn là một chiếc xe máy sử dụng động cơ đốt trong.
Một công xưởng rộng 10.000 mét vuông, với khoảng 100 nhân lực với hiệu suất làm việc lên tới 30.000 sản phẩm trong năm 2018, đó là những thông tin đầu tiên tôi được biết về một trong những thương hiệu xe điện đang gây chú ý trong thời điểm gần đây.
Dù là ai đi chăng nữa thì trong cuộc sống hiện nay, phương tiện đi lại trở thành một lựa chọn phải có hết sức quan trọng. Ấy vậy nên, tôi lập tức cảm thấy tò mò với câu hỏi: "Nhân công nhà máy xe điện thì chạy xe gì?"

Bước vào dây chuyền sản xuất của nhà máy với đội ngũ công nhân từ trẻ tuổi đến trung niên, tôi bắt gặp anh Sơn, một công nhân chịu trách nhiệm lắp ráp các chi tiết liên quan tới cổ lái của các loại xe.

Chia sẻ về khối lượng công việc của một công nhân tại nhà máy, anh Sơn cho biết: "Một ngày làm việc thường bắt đầu sớm, 7h30 là dây chuyền hoạt động, ai làm việc của người đó, cứ làm 2 tiếng thì mọi người lại được nghỉ 10 phút, ăn trưa thì nghỉ lâu hơn. Đến chiều, 5h30 là kết thúc một ngày làm việc. Do khối lượng công việc lớn nên mọi người làm việc tới hết thứ 7, một tuần chỉ nghỉ ngày chủ nhật."

Những chi tiết lắp ráp cần có để anh Sơn hoàn thành công việc của mình. Theo thông tin từ phía đại diện nhà máy, hầu hết linh kiện lắp ráp những mẫu xe điện hiện tại vẫn phải đang nhập khẩu mặt hàng chất lượng tốt từ Trung Quốc. Riêng động cơ được nhập khẩu của Bosch. Còn lại, những chi tiết nhỏ như gương, lốp, hay ốc bắt xe được sử dụng hàng trong nước.
Khi được hỏi về phương tiện di chuyển hàng ngày, anh Sơn khá ngại ngùng cho biết vẫn phải sử dụng xe máy cho mục đích di chuyển thông thường. Nói rõ hơn về lý do, anh Sơn cho biết: "Nhà mình cách phân xưởng khoảng 100 km, nếu là đường bằng thì không nói, nhưng nhà mình lại là vùng đồi núi nên đi lại rất khó khăn."

"Dù biết công ty bán xe điện giá rẻ, chạy được đường xa nhưng với tình hình hiện tại, xe máy vẫn là phương tiện hợp lý hơn. Mình cũng đã có gia đình, thi thoảng phải chạy đi chạy lại những công việc đột xuất, mà điều kiện sạc điện ở vùng đồi núi không phải lúc nào cũng sẵn sàng", anh Sơn chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, anh Sơn cũng cho biết trong tương lai nếu có điều kiện hợp lý chắc chắn sẽ tin dùng những phẩm do chính tay mình lắp ráp, hoặc có thể mua cho người trong gia đình để đi lại trong những điều kiện vận hành phù hợp.
Một số hình ảnh tại nhà máy nơi anh Sơn làm việc:

Khung xe và hầu hết phụ tùng nhập khẩu được để lên giá.

Nhà máy dự kiến sản xuất tới 80.000 xe trong năm 2019.

Sau khi lắp ráp hoàn thiện, xe được kiểm tra lại tổng thể. Nhân công lấy tay gõ vào từng chi tiết để xem xét chất lượng lắp ráp.

Cuối cùng, xe được dán tem đảm bảo chất lượng, đóng thùng và chuyển tới các đại lý.
Tổng quan nhà máy nơi anh Sơn làm việc.