Mitsubishi Destinator có kích thước lớn hơn nhưng các thông số về vận hành không thực sự vượt trội so với đối thủ.

Mitsubishi Destinator vừa ra mắt hôm qua (17/7) tại Indonesia thu hút sự chú ý của nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Xe được định vị ở phân khúc CUV cỡ C và có khả năng sẽ sớm về nước trong năm nay.

Mitsubishi Destinator mới ra mắt. Ảnh: Mitsubishi
Dựa trên những thông số kỹ thuật đã được công bố, nội dung bài viết này sẽ đưa ra những so sánh với 3 mẫu CUV cỡ C bán nhiều nhất nửa đầu năm nay tại Việt Nam bao gồm Mazda CX-5, Ford Territory và Hyundai Tucson.
Kích thước chiếm nhiều ưu thế
Mitsubishi Destinator có kích thước tổng thể dài x rộng x cao lần lượt là 4.680 x 1.840 x 1.780 (mm), trục cơ sở 2.815mm, khoảng sáng gầm 214-244mm.
Mazda CX-5 có dài x rộng x cao là 4.590 x 1.845 x 1.680 (mm), trục cơ sở 2.700, khoảng sáng gầm 200mm. Ford Territory dài x rộng x cao là 4.630 x 1.935 x 1.706 (mm), trục cơ sở 2.726mm, khoảng sáng gầm 190mm. Hyundai Tucson có kích thước 4.650 x 1.865 x 1.700 (mm), trục cơ sở 2.755mm, khoảng sáng gầm 181mm.

Mitsubishi Destinator có kích thước chiếm nhiều ưu thế so với 3 đối thủ. Ảnh: Mitsubishi
Như vậy, có thể thấy Destinator có kích thước lớn hơn đôi chút so với 3 đối thủ. Trục cơ sở 2.815mm của mẫu xe này thậm chí tương đương với mẫu xe phân khúc CUV cỡ D là Hyundai Santa Fe, hứa hẹn mang lại một không gian bên trong rộng rãi hơn.
Về khoảng sáng gầm, con số 214mm và có thể tăng lên thành 244mm, tương đương với một số mẫu bán tải trên thị trường như Ford Ranger (200-235mm), Mitsubishi Triton (228mm).
Động cơ tăng áp nhưng không quá vượt trội
Về vận hành, Mitsubishi Destinator sử dụng máy xăng 1.5L tăng áp, cho công suất 161 mã lực và mô-men xoắn 250Nm. Khác với những đồn đoán ban đầu về việc sử dụng chung động cơ với Xforce, mẫu xe này đã được trang bị động cơ tăng áp, giúp tối ưu công suất hơn.

Mitsubishi Destinator sử dụng máy xăng 1.5L tăng áp công suất 161 mã lực. Ảnh: Mitsubishi
Tuy nhiên, con số này khi so sánh với các đối thủ không thực sự ấn tượng. Mazda CX-5 phiên bản 2.0L mạnh 154 mã lực, phiên bản 2.5L mạnh 188 mã lực. Ford Territory sử dụng máy 1.5L tăng áp mạnh 158 mã lực. Hyundai Tucson bản máy xăng 2.0L mạnh 156 mã lực, máy dầu 2.0L mạnh 186 mã lực và máy xăng 1.6L tăng áp mạnh 180 mã lực. Một mẫu xe sử dụng động cơ 1.5L tăng áp khác là Honda CR-V có công suất lên tới 188 mã lực.
Như vậy, động cơ Destinator tương đương với các phiên bản thấp của các đối thủ. Trong khi nếu so sánh với bản cao, con số của Destinator tỏ ra có đôi chút lép vế.
Hệ dẫn động không có AWD
Theo hãng xe Nhật, mẫu Mitsubishi Destinator chỉ sử dụng hệ dẫn động cầu trước. Trong khi đó 2 mẫu Mazda CX-5 và Hyundai Tucson hoặc cả Honda CR-V các phiên bản cao đều trang bị hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian.

Destinator sử dụng hệ dẫn động cầu trước nhưng được trang bị 3 chế độ lái địa hình.
Đây được cho là điểm yếu của Destinator, dù các mẫu CUV cỡ C không thực sự dành cho việc đi địa hình. Nhưng AWD ngoài việc giúp vượt qua địa hình tốt hơn còn giúp việc vận hành ở tốc độ cao an toàn hơn.
Tuy nhiên, để cải thiện điều này, Mitsubishi đã cung cấp 5 chế độ lái bao trong đó bao gồm 3 chế độ địa hình cho mẫu Destinator. Điều này sẽ giúp cải thiện khả năng vận hành của xe.
Hệ thống treo cứng hơn
Ngoài ra, một yếu tố mà nhiều người tiêu dùng quan tâm là hệ thống treo của Destinator chỉ sử dụng dạng thanh xoắn ở phía sau. Trong khi đó, các đối thủ trong phân khúc CUV cỡ C đều được trang bị hệ thống treo sau đa điểm.

Xe sử dụng hệ thống treo dạng thanh xoắn ở phía sau. Ảnh: Mitsubishi
Dù được định vị phân khúc CUV cỡ C nhưng hệ thống treo của Destinator chỉ tương đương các mẫu CUV cỡ B hiện nay. Khi so với treo đa điểm, hệ thống treo thanh xoắn được đánh giá sẽ mang lại cảm giác cứng hơn, không thật sự êm ái đối với người ngồi bên trong xe.
Trên mẫu Xforce đang bán tại Việt Nam, hệ thống treo cứng cũng là một điểm yếu mà nhiều người mong muốn hãng xe Nhật cải thiện.