Đằng sau thú chơi còi “độc” của các tài xế ô tô – xe máy là hàng loạt nguy hiểm tiềm ẩn cho những người xung quanh.
1.001 kiểu còi
Tại thủ đô Hà Nội, phố Huế là khu vực tập trung rất nhiều cửa hàng bày bán công khai các loại còi dành cho xe đạp, xe máy và ô tô. Với giá bán khá “mềm” từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, còi “độc” đang trở thành mặt hàng được nhiều tài xế ưa chuộng.

Còi ô tô - xe máy được bày bán công khai tại các cửa hàng

Những chiếc còi hơi thường được lắp đặt ở những nơi kín đáo để che mắt các lực lượng chức năng
Nếu các tài xế thích, chủ cửa hàng sẽ kiêm luôn phần lắp đặt còi xe. Còi thường nằm lẩn khuất bên trong các phụ kiện và đi kèm một công tắc bí mật để che mắt các lực lượng chức năng. Khi gặp cảnh sát giao thông, lái xe sẽ gạt công tắc tắt còi hơi và sử dụng loại nguyên bản. Cứ thế, lái xe vô tư sử dụng còi hơi sai quy định mà không lo bị phạt.
Hiểm họa chết người từ những tiếng còi
Từ ngày loại còi “độc” có mặt trên thị trường, người đi đường đã nhiều phen hoảng hồn và giật mình khi nghe những âm thanh lạ như tiếng hú còi xe cứu thương, cứu hỏa hoặc tiếng ô tô phanh gấp ngay phía sau lưng.

Hiện trường vụ tai nạn vì tiếng còi hơi quá lớn gây tử vong cho bé Đ.P.V
Trước tình hình đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Chính phủ tăng cường xử lý đối với các hành vị lạm dụng, lắp đặt và sử dụng còi xe sai quy định. Theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 02/04/2010, việc sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe sẽ bị phạt từ 300.000 – 500.000 đồng đối với ô tô và 100.000 – 200.000 đồng đối với môtô, xe máy, kể cả xe máy điện.
Tuy nhiên, mức xử phạt như vậy vẫn còn quá nhẹ. Mức phạt cao nhất (500.000 đồng) cũng chỉ bằng, thậm chí còn thấp hơn giá tiền của một bộ còi nên không đủ sức răn đe các tài xế. Thêm vào đó, thị trường còi ô tô, xe máy hiện nay vẫn bị buông lỏng quản lý khiến hoạt động mua bán còi “độc” càng trở nên bát nháo hơn.
Theo Báo Lao Động